Hiện nay, máy chiếu được chia thành máy chiếu LED, máy chiếu DLP và máy chiếu LCD với những ưu nhược điểm khác nhau, phù hợp với từng mục đích, yêu cầu khác nhau. Và hôm nay hãy cùng chúng mình khám phá Sự khác biệt giữa máy chiếu LED, LCD và DLP cơ bản nhất nhé!
Sự khác biệt giữa máy chiếu LED, LCD và DLP cơ bản
Công nghệ trong máy chiếu về cơ bản được chia thành hai loại là truyền đi và phản xạ. Ví dụ máy chiếu LCD truyền ánh sáng qua màn hình LCD thay vì phản xạ nó. Công nghệ trong máy chiếu DLP là phản xạ vì nó sử dụng gương để truyền ánh sáng trong một hình ảnh. Còn máy chiếu LED thì được đặt tên cho các nguồn ánh sáng chứ không phải là công nghệ trình chiếu.
Máy chiếu DLP
Máy chiếu DLP xuất hiện trên thị trường lần đầu tiên vào năm 1980, dựa trên một chip DLP (gọi là Digital Micromirror Device – thiết bị phản chiếu siêu nhỏ kỹ thuật số hay còn gọi là DMD) gồm khoảng 2 triệu tấm gương cực nhỏ – vi gương (chỉ khoảng 1/5 bề dày sợi tóc của người). Mỗi vi gương trong con chip này đều có khả năng tự điều chỉnh để phản chiếu ánh sáng về phía màn hình hay ra khỏi màn hình để tạo các điểm ánh sáng hoặc tối. Khi này, hình ảnh tạo ra sẽ có màu xám.
Để tạo màu sắc cho các hình ảnh này, các máy chiếu DLP sẽ sử dụng một bánh xe lọc màu giữa nguồn sáng và DMD. Mỗi bánh xe lọc màu cơ bản sẽ hỗ trợ 3 màu là đỏ, xanh dương và xanh lá cây còn những bánh xe màu tiên tiến hơn sẽ hỗ trợ màu xanh lá mạ, màu đỏ tươi và màu vàng. Trong khi các con chip có thể tạo ra 16,7 triệu màu thì một máy chiếu DLP 3 chip có thể cung cấp đến 35 triệu màu. Sau khi màu sắc đến với DMD thì hinh ảnh sẽ đi qua ống kính và vào màn chiếu.
– Ưu điểm của máy chiếu DLP
+ Máy chiếu DLP ít phải bảo trì và có tuổi thọ cao hơn máy chiếu LCD.
+ Các điểm ảnh gần nhau nên hình ảnh video mịn, mượt hơn, không để lộ điểm ảnh.
+ Gọn nhẹ, dễ di chuyển hơn do có cấu tạo ít thành phần.
+ Có thể có độ tương phản cao hơn và không bị hiện tượng lệch hội tụ như công nghệ LCD.
Ngoài ra, việc bánh xe lọc màu có thêm màu trắng giúp hình ảnh được trình chiếu bởi máy chiếu DLP sáng hơn và có màu trắng thuần khiết hơn. Tuy nhiên, đây cũng là một nhược điểm khi nó làm mất tỷ lệ cân bằng giữa các màu và giảm sắc độ biểu diễn.
Để khắc phục tình trạng này những chiếc máy chiếu DLP phục vụ mục đích giải trí tại nhà có thể dùng bánh xe lọc màu gồm 6 màu hoặc bổ sung thểm màu xanh lục đậm và xanh dương đậm. Với việc sử dụng bánh xe nhiều màu sẽ giúp máy chiếu DLP loại bỏ màu trắng và có được hình ảnh với màu sắc tươi tắn hơn, phong phú sắc độ hơn nhưng độ sáng sẽ giảm xuống nên cần đặt máy chiếu này trong không gian phòng tối.
– Nhược điểm của máy chiếu DLP
+ Độ bão hòa màu thấp gây ảnh hưởng đến dữ liệu.
+ Làm xuất hiện hiện tượng “cầu vồng”. Để làm giảm hiện tượng này và tăng độ bão hòa màu thì máy chiếu DLP được thiết kế có bộ lọc màu gồm 4 phần hoặc 6 phần và quay nhanh hơn.
+ Xuất hiện hiện tượng “lộ sáng” gây khó chịu cho người sử dụng khi xem phim ở nhà. Tuy nhiên hiện tượng này không thấy rõ ở những chip DLP mới như chip DDR. Để khắc phục hiện tượng này cần tạo ra một đường biên đen rộng vài cm quanh màn ảnh để hiện tượng “lộ sáng” sẽ rơi vào đường biên đen này.
Máy chiếu LCD
Máy chiếu LCD xuất hiện lần đầu từ những năm 1980 và sử dụng màn hình tinh thể lỏng như ở đồng hồ hoặc các thiết bị điện tử khác. Đặc biệt, đa phần các máy chiếu LCD đều sử dụng công nghệ 3LCD, công nghệ kết hợp 3 màn hình tinh thể lỏng. Quá trình tạo ra hình ảnh gồm nhiều bước, bắt đầu bằng việc nguồn sáng cung cấp một chùm sáng trắng.
Ánh sáng trắng này truyền tới ba gương (gọi là gương lưỡng sắc) để chỉ phản chiếu bước sóng ánh sáng nhất định. Trong trường hợp này, các gương sẽ phản xạ bước sóng màu màu đỏ, xanh dương và xanh lá cây. Mỗi chùm ánh sáng màu sau đó được đưa đến một bảng điều khiển LCD, nơi nhận các tín hiệu điện chỉ dẫn việc sắp xếp các điểm ảnh trên màn hình để tạo hình ảnh. 3 bảng điều khiển LCD đều hiển thị hình ảnh như nhau nhưng màu sắc khác nhau. Các hình ảnh sau đó kết hợp với nhau trong một lăng kính để tạo ra hình ảnh duy nhất lên đến 16,7 triêu màu rồi được truyền qua ống kính đến màn chiếu.
– Ưu điểm của máy chiếu LCD
+ Hình ảnh được tạo ra từ máy chiếu LCD sẽ sáng hơn máy chiếu DLP khi sử dụng bóng đèn máy chiếu có cùng công suất.
+ Cho độ bão hòa màu cao hơn.
+ Hình ảnh của máy chiếu LCD sắc nét hơn, màu sắc phong phú hơn.
– Nhược điểm của máy chiếu LCD
+ Hiệu ứng “caro” làm hình ảnh bị vỡ
+ Trọng lượng máy chiếu cao hơn vì bao gồm nhiều thành phần hơn máy chiếu DLP.
+ Xuất hiện “điểm chết” trên màn chiếu.
+ Tấm kính LCD có thể bị hỏng và việc thay thế rất tốn kém. Chip DLP cũng có thể bị hỏng (nhưng hiếm).
Máy chiếu LED
LED không phải là công nghệ mà là nguồn sáng của máy chiếu. Trong thực tế hiện nay cũng có một số máy chiếu công nghệ DLP đang sử dụng ánh sáng LED. Có một loại máy chiếu gọi là máy chiếu Pico, sử dụng công nghệ LED. Máy chiếu Pico về cơ bản là các thiết bị cầm tay sử dụng công nghệ LCoS hoặc DLP. Trong những trường hợp này, máy chiếu sẽ sử dụng các bóng đèn LED màu đỏ, xanh dương, xanh lá cây với hiệu quả chiếu sáng tốt hơn và lâu hơn cho các bóng đèn truyền thống.
– Ưu điểm của máy chiếu LED
+ Bóng đèn LED trong máy chiếu LED có tuổi thọ cao hơn so với những bóng đèn truyền thống.
+ Có độ cân bằng màu sắc vượt trội hơn, giúp màu sắc trung thực, không bị dư màu hoặc thiếu màu.
+ Máy chiếu LED giúp tiết kiệm điện và mát hơn.
– Nhược điểm của máy chiếu LED
+ Cường độ sáng thấp hơn so với các máy chiếu công nghệ khác nên chỉ phù hợp với những căn phòng ít sáng.
+ Mức giá của máy chiếu LED khá “chát” hơn so với các máy chiếu công nghệ khác.